Tình yêu thể hiện qua lời xin lỗi

Hẳn là cách xin lỗi của mỗi người khác nhau, nhưng ở đây mình nói đến việc thốt ra lời xin lỗi một cách công khai và mặt đối mặt. Người biết nhận lỗi không phải là người yếu đuối mà là người khiêm nhường và hạ mình. Nếu như xem mình tốt hơn người khác thì liệu bạn có thể thấy ra lỗi lầm của mình hay không? Chỉ cần bạn nghe đâu đó có lời xin lỗi thì bạn sẽ thấy ngay được sự hạ mình của một người. Sự hạ mình này không phải đến từ kẻ yếu đuối mà là đến từ một người có tri thức về chính mình, về sự việc, về con người. Người này hiểu đâu là điều chính đáng và đâu là điều bất chính. Bạn sẽ thấy có rất nhiều người không bao giờ muốn nhận lỗi mà sẽ tìm cách che giấu, phớt lờ, hoặc đổ lỗi cho người khác. Nếu bạn thấy điều này là đáng hỗ thẹn thì cũng đừng phán xét người thốt ra lời xin lỗi. Bởi khi ai đó chủ động nhận lỗi thì hẳn sức mạnh nội tâm của họ là lớn. Họ có trách nhiệm và sẵn sàng đối diện với việc phải đền bù, phải bị chỉ trích.

Đối với mình, mức độ nhân tính được thể hiện thông qua cách mà một người nói lời xin lỗi. Bạn sẽ thấy một số người chỉ xin lỗi cho qua, một số người xin lỗi rất chính trị, một số người thì chân thành. Điều quan trọng là bạn sẽ thấy được rất nhiều về con người thông qua lời xin lỗi của người ấy, với điều kiện là khả năng cảm nhận được lời xin lỗi của bạn nằm ở mức nào, khả năng hiểu được con người của bạn ra sao. Bạn có nghĩ người biết lỗi nhiều là người thương yêu nhiều không? Mình nghĩ vậy. 1 Cô-rin-tô 13:4-6 chép: “…Tình yêu thì không khoa trương, không lên mặt, không hành xử phi lí, không vụ lợi. Tình yêu không hay nhạy giận, không ghi nhớ việc ác, tình yêu không vui về sự bất chính, nhưng vui với lẽ thật…” Mình nghĩ nếu một người có thể thốt ra lời xin lỗi thì những điều được nói đến trong các câu này đã được tỏ ra. Biết ăn năn là không khoa trương chính mình, biết nói xin lỗi chính là không lên mặt, lại càng không hành xử phi lí, biết xin lỗi nghĩa là không giành lợi ích về cho bản thân. Không hờn giận thì mới là biết lỗi, chính vì không vui về sự bất chính nên ăn năn và nhận lỗi, chỉ khi ăn năn và nhận lỗi thì mới có thể vui mừng trong lòng vì lẽ thật. Lu-ca 7:47 chép: “…các tội phạm của cô ấy tuy nhiều nhưng đều được tha, vì cô ấy yêu thương nhiều; còn người được tha ít thì yêu thương ít.” Câu này cũng cho thấy một người biết ăn năn nhận lỗi là người yêu nhiều. Bởi vì trân trọng việc được tha thứ nên người ấy yêu thương nhiều.

Cần có một môi trường để thực hành nói lời xin lỗi. Mình hi vọng con cái của chúng ta sau này có thể nói rằng: “Tôi đang được ở trong một môi trường mà tôi có thể tự do thể hiện lời xin lỗi của mình. Tôi không e ngại hay cảm thấy xấu hỗ khi thốt ra lời xin lỗi. Bất kể có lỗi với người lớn hay người nhỏ hơn mình, chúng tôi đều ưu tiên nói ra lời xin lỗi. Chúng tôi đã được rèn luyện như vậy, trong một môi trường mà lời xin lỗi được tôn trọng và hành động xin lỗi không bị xem thường. Nếu ai có lỗi với người khác thì việc mặt đối mặt xin lỗi là điều bình thường. Nếu ai có lỗi với cả tập thể thì việc xin lỗi trước tập thể là điều bình thường.” Lời xin lỗi cần có một môi trường để được thực hành. Nếu không có môi trường ấy thì hẳn lời xin lỗi rất khó được thốt ra. Bởi vậy, hãy tạo một môi trường cho con bạn có thể nói lời xin lỗi một cách chân thành, thấy được lỗi sai của mình, ăn năn, và thành thật nhận lỗi.

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *